• Công ty TNHH Đồ Đồng Truyền Thống
  • Công ty TNHH Đồ Đồng Truyền Thống
  • Công ty TNHH Đồ Đồng Truyền Thống
  • Công ty TNHH Đồ Đồng Truyền Thống
  • Công ty TNHH Đồ Đồng Truyền Thống
  • Công ty TNHH Đồ Đồng Truyền Thống
  • Công ty TNHH Đồ Đồng Truyền Thống
Xin chào đã đến với website Tranh Đồng Việt - Đồ Đồng Truyền Thống lưu giữ nét đẹp văn hóa Việt.
Hỗ trợ
  • Tư Vấn Mua Hàng

    HOTLINE 1 : 077 610 8639

    HOTLINE 2 : 0935.602.399

    Yahoo Skype Facebook

    Email : dothoviet39@gmail.com

Đăng ký nhận tin
Quảng cáo
Chi tiết bài viết

Ý nghĩa hoành phi câu đối

Đây là một cách tao nhã thể hiện gia phong của một gia đình Việt xưa mà Hà Nội không là ngoại lệ. Người ta khó hình dung được một nếp nhà Hà Nội cũ được xem là gia giáo, từng nhiều phen đói ăn, thiếu mặc lại vắng ánh rực rỡ của hoành phi – câu đối. Như thế đủ thấy “món” này từ lâu đã thành chuẩn mực về một lối sống mà đời nay cứ to tát lên gọi là truyền thống. Hoành phi – câu đối Hà Nội, với vẻ đẹp đáng trân trọng từng có thời đã hy sinh cả thân xác để ngăn bước quân thù. Hòa bình lập lại, gỗ hiếm còn hiến mình làm bàn học cho lũ trẻ ở những gia đình đông con…

Xưa, mỗi khi nhà ai đó có việc trọng như: mừng nhà mới, vinh quy bái tổ, chúc thọ thầy, mẹ… người theo Nho học thường tặng nhau đôi câu đối vàng tâm sơn son – thếp vàng hoặc bạc; sang hơn thì tặng cả bức hoành. Người Kẻ Chợ vẫn giữ nếp này; có điều nay thợ chuyên nghề này đã vãn, nên lấy “trướng” thêu, “phong bao” thường thế chỗ. Câu đối quý nhất treo ở đôi cột đại đặt trên đế đá xanh tại gian giữa ngôi nhà “ba gian hai chái”. Đẹp lắm!

 

 

Còn bức hoành, đương nhiên bố cục theo chiều ngang- hoành- thường treo ngay xà ngang gian giữa, ở phía trên câu đối. Hoành phi câu đối luôn đi thành bộ, thành một chỉnh thể trong lối chơi chữ được người dân trăm họ ưa chuộng từ lâu. Người có của, lấy của che than, thường có hoành phi câu đối sơn son thếp vàng. Thứ đến, nhà không đủ ngân lượng để thếp vàng, thì vẫn nền son, nhưng chỉ thếp bạc thôi. Kẻ hàn sĩ không vàng cũng chẳng bạc, chỉ có son nải vóc để tỏ lòng tôn kính, còn nét chữ là chút nhựa, sức sống, cây sơn lấy ở mé đồi. Còn câu đối tre năm chữ hoặc bảy chữ, phần nhiều theo lối “đá thảo” thường thấy nơi vách nhà mấy cụ đồ Nho. Thứ dân xưa vắt mũi đút miệng chẳng đủ, nhà tranh vách nứa, mơ gì đến hoành phi – câu đối; nhưng kính chữ của Thánh hiền, họ vẫn xin các bậc cao niên dăm nét trên giấy điều mỗi khi có dịp, dán lên vách, lên cửa. Như thế đã lấy làm hãnh diện lắm. Thời chiến tranh, bao cấp người ta vẫn thấy sự tôn kính của hoành phi – câu đối một thời được thể hiện chỉ bằng bột màu in trên giấy cứng bán ở Phố Hàng Mã đó sao!

 

Như thế đủ thấy thú chơi hoành phi câu đối đã vượt lên thói thường, thành cái đạo lý văn hóa mà nhờ đó một dân tộc đã vượt qua tất cả họa xâm lăng. Sự thật hiển nhiên là hoành phi – câu đối đã làm một cuộc trường tồn, nhưng để hiểu nghĩa đôi câu đối hoặc một bức hoành lại không mấy người. Thật tiếc! Đây là hệ lụy từ một vết gẫy văn hóa không thể trách cứ trong mải miết cách tân quốc ngữ và chiến tranh của nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua và đã đến lúc phải được các quan “Bộ Lễ” kế tục quan tâm.

 

Chẳng thế hôm nay, người biết đọc, biết viết hoành phi – câu đối vãn cũng là điều dễ hiểu. Đa phần trong số họ là những người biết Hán – Nôm từ thế kỷ trước, phần còn lại gồm một số trẻ hơn, do yêu chữ mà sớm trở thành “nhà Nho” bất đắc dĩ. Chính vì thế, hoành phi – câu đối cổ lại càng trở thành cổ ngoạn với tất cả sự bí hiểm chính bởi sự mai một của dạng văn tự này.

 

Thường hoành phi – câu đối bao giờ cũng đi cùng một diềm gỗ sơn thếp trang trí cho gian giữa của một ngôi nhà cổ. Phần điểm xuyết mang tính ước lệ để ngăn cách không gian giữa nhà chính với nơi thờ phụng trong một ngôi nhà cổ này gọi là: Cửa võng. Cửa võng thường làm theo lối chạm thủng, cũng có khi thấy chỉ đục “nẩy nền”. Nhưng dù cách nào, cửa võng cũng là do các tay nghề lão luyện đục chạm, trông chẳng khác dải đăng ten trong kiến trúc cổ với thiên hình vạn trạng các mô típ trang trí từ hoa lá, cỏ cây đến chim muông, cầm thú… Đa số cửa võng – như một điểm nhấn của kiến trúc – thường được thếp vàng hoặc bạc. Trải theo thời gian các cửa võng cổ còn đến nay nom rất cổ kính.

 

Phổ biến nhất và “lành” nhất vẫn là các bức hoành với hàng chữ: “Đức Lưu Quang”, nghĩa là đức còn sáng mãi, ngụ ý dạy con cháu trọng chữ “Đức” trong cách hành xử. Hoặc các chữ khác chỉ về sự trọng đạo và học vấn cũng như y thuật để cứu người… Cũng có bức hoành lại chạm, khắc theo lối cổ đồ – biểu tượng cho “Phúc – Lộc – Thọ”… Đa phần hoành phi là sơn thếp, nhưng cũng có khi lại khảm trai, khảm ốc. Có bức khảm ốc cũ, lên nước đỏ lịm rất quý; loại này hiếm lắm, giá rất cao, chỉ những con mắt tinh anh mới nhận ra và dám “xuống tiền” để có được. Nền của hoành phi có khi chỉ là lớp sơn ta đen nhức hoặc thuần một màu son sâu thẳm; nhưng cũng có khi chạy chữ vạn hoặc cẩm quy, điểm mây lãng đãng rồi phủ vàng hoặc bạc trông thật quý phái. Mỗi bức hoành thường chỉ ba đến bốn chữ.

 

Tương tự như hoành phi, câu đối – thường có số chữ nhất định gồm năm, bảy đôi khi là mười một chữ – khi chơi cũng cần cẩn trọng. An toàn nhất – nếu chưa hiểu lắm – cứ câu đối “bí”, “lựu” hoặc “lá chuối”, “lá sen” hay câu đối tre mà rước thì không có gì phải ngại. Câu đối dạng này có khi gọi là “liễn” ngụ ý ca ngợi thiên nhiên, tình người hoặc để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên mà thôi.

 

Hoành phi – câu đối có kiểu chữ chìm và khắc nổi (vào gỗ hoặc các chất liệu khác). Sợ phạm vào chữ của Thánh hiền nên nhiều hoành phi – câu đối khắc nổi. Người thợ chỉ dám đục đúng đến “mực” – chân chữ – rồi ngừng; để sau đó đi tiếp các hoa văn khác như tản vân, cẩm quy hoặc chữ vạn. Thường câu đối hay khắc chìm, tức là đục băng đi cả chữ mẫu để lấy nền. Loại này rất phổ biến trong các hoành phi – câu đối xứ Huế và các miệt vườn Nam bộ. Câu đối thường làm bằng một tấm gỗ phẳng, có mộng ngang ở hai đầu để “trị” cong vênh. Đúng là mẹo. Nhưng cũng không ít câu đối “lòng mo” – có hình cong, ôm lấy thân cột. Loại này thường gồm năm miếng gỗ ghép với nhau – hàm ý “Ngũ phúc” – nhưng cũng có khi chỉ là ba miếng – gợi ý “Tam đa” – đều rất đẹp. Câu đối lòng mo có khi được làm bằng thân cây cọ, nhưng dân trong nghề chẳng hiểu sao cứ gọi là câu đối “móc”. Loại này khá phổ biến ở vùng đồi núi Trung du, nơi đồi cọ, rừng chè!

 

Đa phần các hoành phi – câu đối đều sử dụng chữ Nho vì theo nếp cũ, đây là chữ chính thống; còn chữ Nôm – dù đích thực là chữ của nước Việt ta – nhưng vẫn bị cho là chữ của thứ dân nên ít được dùng. Do đó, nay tìm thấy một đôi câu đối chữ Nôm thật khó. Đây cũng là một thứ xính ngoại cần tự điều chỉnh. Nên hiểu chữ Hán cũng chỉ là một “ngoại ngữ”. Như thế chữ Nôm, dù khó cũng rất nên thành môn học cho trẻ trong tương lai. Còn như chữ quốc ngữ – gốc gác La-tinh – mà thành “Thư pháp” như ngày nay và có người ham, khác nào vẽ rắn thêm chân với đủ vành, đủ vẻ rồi tự tán tụng mà không hay rằng: đi tìm cái mới lạ mà sa vào kỳ quoặc. Buồn thay! Con trẻ theo gương, cứ “Thư pháp” quốc ngữ từ thủa vỡ lòng mà noi, thì cái sự vở sạch chữ đẹp đâu cần nữa! Và như thế, cái giá phải trả cho một tương lai gần không thể nói là rẻ khi người người vẫn tin: Chữ là Người.

 

Ba loại chữ thường được dùng trên hoành phi câu – đối là: “Chân”, “Lệ” và “Triện”. Thật khó nói kiểu nào đẹp hơn vì các trang thiếu niên anh tú- vốn tính bay nhảy- thường ưa chữ “Thảo”; trong khi bậc trung niên đã qua trải nghiệm lại thích lối chữ “Lệ” vốn mực thước; còn các bậc bô lão, cao nhân dật sĩ lại thích lối chữ “Triện” với tất cả tính khuôn phép của dạng chữ này… Tựu trung chữ tùy vào tạng người, nên không thể quyết dạng chữ nào hay hơn. Tuy nhiên, chưa bao giờ thấy trên hoành phi câu – đối sơn thếp những nét “cuồng thảo”!

fanpage của của trang đồng việt
Zalo
Hotline